Giải pháp không gian dành cho người ngồi xe lăn tại Việt Nam

Có những người được sinh ra bình thường, tuy nhiên có những người được sinh ra không may mắn như bao người khác. Bên cạnh đó cũng có những người gặp tai nạn, những biến cố trong cuộc đời mà sau đó việc di chuyển phải nhờ vào chiếc xe lăn.

Câu hỏi được đặt ra là hiện nay chúng ta, xã hội đã có những giải pháp gì để hỗ trợ và giúp đỡ những người khuyết tật phải dùng xe lăn di chuyển trong cuộc sống hàng ngày.

Xe lăn
Người ngồi xe lăn

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để hỗ trợ những người di chuyển bằng xe lăn sẽ tạo cho họ có thêm động lực vươn lên, xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực cùng chung tay xây dựng xã hội ngày càng văn minh.

Người khuyết tật hoàn toàn có đủ khả năng hòa nhập cuộc sống bình thường, quan trọng là xã hội giúp họ tiếp cận những dịch vụ công cộng cơ bản nhất.

Ghi nhận thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng và phương tiện công cộng dành riêng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn hiện còn thiếu, chưa thực sự được quan tâm khiến họ còn mặc cảm, tự ti và gặp không ít khó khăn mỗi khi đi lại trên đường phố hoặc sử dụng xe buýt.

Theo số liệu về người khuyết tật năm 2015 của Liên Hợp Quốc, số người khuyết tật trên thế giới khoảng 1 tỷ trên tổng số 7,3 tỷ người, chiếm 7,3% tổng dân số.  Như vậy, khoảng trên dưới 7,3% dân số ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới là những người không hoàn thiện hoặc khuyết tật ở một hoặc nhiều bộ phận của cơ thể.

Tại Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số cả nước. Việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật  còn rất hạn chế như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm, thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng…

Xe lăn
Người ngồi xe lăn

Đặc biệt việc thiết kế không gian sống, sinh hoạt cho người khuyết tật ngồi xe lăn không được quan tâm… Ở nước ta chưa có nhiều các công trình riêng lẻ dành riêng để chăm sóc nhóm người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật ngồi xe lăn. Phần lớn những người thuộc nhóm dân cư này vẫn sống chung cùng gia đình trong các chung cư hay nhà riêng thông thường, được thiết kế và xây dựng dành cho người khoẻ mạnh.

Thiết kế không gian ở của những căn hộ chung cư hay nhà riêng đó không phù hợp với sinh hoạt thường nhật của nhóm dân cư đặc biệt này, khiến cho họ không có khả năng, cơ hội tự phục vụ, phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hoặc người xung quanh. Không phải lúc nào họ cũng có thể nhận được sự giúp đỡ như vậy. Cuộc sống về mọi mặt của người khuyết tật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây thực sự là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để những người không may mắn này hoà nhập với cộng đồng, nhiệm vụ của những người khoẻ mạnh phải tạo ra các điều kiện thuận lợi và phù hợp với những đặc thù khuyết tật của nhóm cư dân này.

Người khuyết tật sử dụng xe lăn ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, đến trường, đến nơi làm việc, hoặc tới những nơi giải trí… do thiết kế của các công trình xây dựng gần như không dành cho họ.

Trong những năm gần đây nhà nước ta cũng đã bắt đầu chú ý hơn tới không gian dành cho người sử dụng xe lăn, đã có một số công trình xây dựng được thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng. Nhưng đáng tiếc những thiết kế như vậy đã không tiếp tục được thực hiện, hầu hết các địa phương đều lờ đi những chi tiết này.

Việt Nam đang có một nền kinh tế tăng trưởng mạnh, ngày càng có nhiều các toà nhà cao tầng được xây dựng, nhưng bên cạnh đó, các yều cầu về thiết kế dành cho người khuyết tật lại không được quan tâm. Người khuyết tật ngồi xe lăn gặp trở ngại để có thể tiếp cận những toà nhà mới đó. Dẫn đến người khuyết tật không thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, thương mại, không thể đến các trung tâm giải trí, không được tiếp cận với sự phát triển của xã hội. Điều đó đã vô hình chung khiến những người khuyết tật ngồi xe lăn thành gánh nặng cho xã hội và đây sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội Việt Nam.

Vấn đề khó khăn nhất trong nghiên cứu, là đề xuất tiêu chuẩn cũng như xây dựng nhà ở và trang thiết bị nội thất cho người khuyết tật phải dùng xe lăn. Để tính toán diện tích cần thiết cho phòng ở và các phòng phụ thường dựa theo kích thước của xe lăn, xe lăn có nhiều loại và kích thước cũng rất khác nhau, nhưng thông dụng nhất vẫn là loại xe lăn có bề rộng 670mm và ghế ngồi cao 520mm.

 Việc thiết kế không gian ở của nhóm dân cư này cũng cần phải chú ý đến vấn đề bố trí đồ đạc trong không gian ở căn hộ – nhà ở. Giải pháp bố trí đồ đạc để đảm bảo sao cho việc di chuyển của người khuyết tật có sử dụng xe lăn được dễ dàng và có thể tiếp cận đến được mọi ngóc ngách của các không gian trong căn hộ, các thành phần – bộ phận của đồ đạc và các thiết bị trong các không gian. Cần chú ý đến vị trí cũng như cách sắp xếp các thiết bị nghe và nhìn như: vô tuyến truyền hình, dàn nghe nhạc, máy tính, đài, máy ghi âm… sao cho việc sử dụng chúng được thuận lợi và dễ dàng nhất.

Để có thể đưa ra các giải pháp thiết kế không gian ở cho người khuyết tật ngồi xe lăn một cách hợp lý nhất, cần phải bám sát các thông số kích thước tiêu chuẩn Việt Nam của xe lăn, các thông số về độ cao tầm với lên trên, xuống dưới, sang bên, phạm vi sử dụng hoạt động của cử động tay người khuyết tật ngồi xe lăn….Việc vận dụng các tiêu chuẩn thông số kích thước đó là nền tảng để đưa ra các giải pháp tốt nhất về thiết kế không gian ở cho người xe lăn tại Việt Nam.

Trong thiết kế – xây dựng các loại nhà ở, chung cư dành cho người khuyết tật dùng xe lăn cần đặc biệt quan tâm đến chiều cao đặt các thiết bị điện như các loại ổ cắm, công tắc đèn, hộp điều khiển quạt trần… chiều cao các ổ cắm để mở cửa đi và cửa sổ tại các lối giao thông. Bề rộng của lối ra vào nhà hoặc cầu thang nghiêng dạng dốc thoải dành cho đối tượng người khuyết tật ngồi trên xe lăn, nhất thiết không được nhỏ hơn 1200mm, và độ dốc nhỏ hơn hoặc bằng 6%, tay vịn cầu thang dành cho đối tượng này thường chỉ cao từ 700 đến 800mm.

Để người khuyết tật ngồi xe lăn có thể ra vào các loại không gian một cách thuận tiện hơn thì cần mở rộng các loại cửa đi. Thông thường bề rộng của cánh cửa đi phải lớn hơn hoặc bằng 1000m, nếu có điều kiện, nên thiết kế cửa cảm ứng tự động. Để việc di chuyển của người khuyết tật từ xe lăn sang các thiết bị của khu vệ sinh và ngược lại được dễ dàng hơn, thường bố trí thiết bị đặc biệt – loại máy nâng cố định hay di chuyển được. Thiết bị cho phép nâng lên, hạ xuống hay xoay được 1800. Trên thế giới, loại thiết bị này thường được sử dụng trong các bệnh viện, nhưng ngày nay chúng đang được sử dụng một cách phổ biến trong các căn hộ có người khuyết tật sinh sống. Do giá thành của thiết bị này khá cao so với mức sống trung bình của người khuyết tật di chuyển bằng xe lăn tại Việt Nam, nên đa phần người khuyết tật tại Việt Nam chưa có điều kiện để sở hữu loại thiết bị này.

Đối với lối giao thông trong nhà ở cho người dùng xe lăn, giải pháp tốt nhất là bố trí các loại đồ đạc dọc theo bức tường, cung cấp lối giao thông thông thoáng, không có chướng ngại vật, sáng sủa, rộng rãi để người khuyết tật ngồi xe lăn di chuyển được dễ dàng. Kích thước hành lang để người khuyết tật ngồi xe lăn di chuyển từ 1200mm đến 1800mm. Ở lối giao thông, cần có các chỉ định về màu sắc để cảnh báo vị trí, màu sơn tường nên dùng các màu sáng, ánh sáng đầy đủ để người khuyết tật ngồi xe lăn di chuyển dễ dàng.

Các thiết bị sản xuất dành riêng cho người khuyết tật có sử dụng xe lăn đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ở Việt Nam, đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng các công trình kiến trúc, nội thất có phục vụ cho người khuyết tật.

Sản xuất các thiết bị dành riêng cho những nhóm người đặc biệt này, nhằm giúp họ tự chủ các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày, loại bỏ các rào cản hòa nhập xã hội.

Xe lăn
Xe lăn

Điều này không những giúp cho họ tự tin hơn trong cuộc sống, sự tự tin hơn về bản thân. Khi đã có sự tự tin về bản thân, chắc chắn họ sẽ có những đóng góp nhất định, san sẻ gánh nặng cho gia đình và xã hội.